Lịch sử, ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “.... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
🇻🇳 Ngày Thương binh Liệt sỹ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là: Truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Tôn vinh các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh và người có công; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.