Tổng hợp văn bản của Trung Ương, tỉnh Hà Tĩnh có hiệu lực từ tháng 9/2019.
I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Quán Karaoke: Không đặt chốt cửa bên trong phòng hát; không được hoạt động sau 12 giờ đêm
Nội dung này được quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/6/2019 về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực từ 01/9/2019.
Thời gian kinh doanh dịch vụ, Nghị định quy định rõ doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 8 giờ sáng; với dịch vụ vũ trường thời gian quy định là từ 2 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự. Phòng hát phải có diện tích tối thiểu từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Để đảm bảo an toàn, các phòng hát không được đặt chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động.
Đối với kinh doanh vũ trường, diện tích phòng sử dụng phải từ 80m2 lên, không kể công trình phụ. Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện… từ 200m trở lên. Đặc biệt không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người dưới 18 tuổi.
2. Địa phương được sử dụng trên 50% kinh phí để hỗ trợ cho người trồng lúa
Ngày 11/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa…để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc sau:
Thứ nhất, sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, phần kinh phí còn lại được sử dụng để phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp; cải tạo chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúc nước còn lại, tăng độ dày của đất canh tác, tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp...
3. Vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng
Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/07/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
4. Bổ sung một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Có hiệu lực từ ngày 05/09/2019, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/07/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Cụ thể, thay vì quy định 17 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định 64/2019/NĐ-CP quy định 28 loài được ưu tiên bảo vệ, trong đó bổ sung một số loài như: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), Hoàng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài), Lan hài xanh, Lan hài chân tím, Lan hài trân châu...
5. Chăn nuôi gia súc trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bị phạt đến 10 triệu đồng
Ngày 18/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, có hiệu lực từ ngày 09/9/2019.
Cụ thể, tăng mức phạt từ 03 – 05 triệu đồng lên 05 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Nuôi trồng thủy sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Phá dỡ, xê dịch trái phép mốc chỉ giới, biển báo của công trình thủy lợi hoặc tự ý đấu nối kênh, đường ống dẫn nước;…
6. Bốn tiêu chí xác định vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia
Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2019/NĐ-CP về việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ngày 29/7/2019, có hiệu lực từ ngày 15/9/2019.
Theo đó, vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia là vùng đất ngập nước có diện tích từ 5.000 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc vùng có diện tích từ 300 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa, có chứa hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
Thứ nhất, có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái.
Thứ hai, là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu hoặc 05 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc 01 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc của 10.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên.
Thứ ba, giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái của một vùng liên tỉnh hoặc quốc gia.
Thứ tư, có giá trị đặc biệt về cảnh quan, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa đối với quốc gia.
7. Hai trường hợp phải nộp một lần 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ngày 31/7/2019, có hiệu lực từ ngày 15/9/2019.
Theo đó, thu một lần bằng 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp sau:
Thứ nhất, Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thời hạn khai thác đến 05 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 01 tỷ đồng.
Thứ hai, Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thời hạn khai thác đến 03 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 500 triệu đồng.
Ngoài hai trường hợp trên, thu nhiều lần đối với các trường hợp còn lại, lần đầu thu với số tiền được tính bằng 30% tổng số tiền chia cho nửa thời hạn khai thác. Từ lần thu thứ hai thu bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trừ đi số tiền thu lần đầu và chia đều cho số năm phải nộp còn lại và hoàn thành việc thu vào nửa đầu thời hạn cấp phép.
8. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/lần
Ngày 05/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2019/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý vàsử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần.
Lệ phí cung cấp thông tin doanh nghiệp cụ thể như sau: Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 20.000 đồng/bản; Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp 40.000 đồng/bản; Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp 150.000 đồng/báo cáo; Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp 100.000 đồng/lần...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
9. Hướng dẫn xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành văn thư
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư ngày 02/8/2019, có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
Theo đó, các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BNV được áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể:
Thứ nhất, ngạch văn thư chính (mã số 02.006) áp dụng bảng lương công chức loại A2 (nhóm 1).
Thứ hai, ngạch văn thư (mã số 02.007) áp dụng bảng lương công chức loại A1.
Thứ ba, ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) áp dụng bảng lương công chức loại B.
Trong trường hợp công chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp và áp dụng bảng lương của công chức loại B.
10. Giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp từ 20/9/2019
Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp, từ 20/9/2019, một số mức lệ phí đăng ký doanh nghiệp sẽ giảm khá nhiều so với quy định hiện hành.
Trong đó, mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) áp dụng từ ngày 20/9/2019 là 50.000 đồng/lần (hiện nay 100.000 đồng/lần).
Thông tư 47/2019/TT-BTC còn quy định giảm phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống còn 100.000 đồng/lần, thay vì mức thu 300.000 đồng/lần như hiện nay.
11. Công tác trong ngành giáo dục từ 05 năm mới được bổ nhiệm làm trưởng phòng
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 10/2019/TT-BGDĐT về việc quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ngày 09/8/2019, có hiệu lực từ ngày 30/9/2019.
Theo đó, công chức, viên chức được xem xét bổ nhiệm giữ chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng khi đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể sau đây:
Thứ nhất, về tiêu chuẩn chung, bên cạnh các tiêu chí tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thì công chức phải có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời, có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất 05 năm.
Thứ hai, ngoài các tiêu chuẩn trên, công chức phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Đối với chức danh trưởng phòng thì công chức phải có thời gian đảm nhiệm chức vụ phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo hoặc tương đương, hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc tương đương; Đối với chức danh phó trưởng phòng thì phải có thời gian đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc tương đương, công chức ngạch chuyên viên…
Thông tư này không áp dụng đối với nữ từ đủ 50 tuổi trở lên và nam từ đủ 55 tuổi trở lên đang giữ chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng.
12. Ba nguồn kinh phí để tăng lương cơ sở đối với cơ quan hành chính NN
Ngày 23/7/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC về việc hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 44/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 06/9/2019.
Theo đó, nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể bao gồm:
Thứ nhất, nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có).
Thứ hai, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng). Số thu được để lại theo chế độ này phải bảo đảm nguyên tắc không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu.
Thứ ba, sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.
II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH:
1. Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND ngày 26/8/2019 của UBND tỉnh Ban hành Quy định phân cấp thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
2. Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh Về việc quy định giá tiêu thụ nước sạch của Công ty cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tải nội dung văn bản tại đây....